Việt Nam là một trong những quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ rất phù hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của cây điều. Chính vì vậy, nước ta đã và đang là một trong những quốc gia có sản lượng hạt điều nguyên liệu đứng đầu thế giới. Bên cạnh đó, hạt điều được trồng tại Việt Nam được đánh giá rất cao về chất lượng và hương vị.
Sự phân bố của cây điều ở Việt Nam
Ở nước ta, cây điều phân bố rộng khắp từ các tỉnh miền Trung trở vào Nam, với sự có mặt trên 20 tỉnh thành (Bản đồ 2.1).
Ở khu vực miền Trung, cây điều có mặt ở hầu hết các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Khu vực Tây Nguyên cũng là vùng nguyên liệu rộng lớn của ngành điều với các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đều có diện tích trồng điều rất lớn.
Khu vực trồng điều nhiều nhất nước ta là khu vực Đông Nam Bộ với các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai.
Các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng có rải rác diện tích trồng điều, tập trung ở một số địa phương như An Giang, Kiên Giang, Long An.
Bản đồ 2.1. Bản đồ phân bố và sản lượng hạt điều tại Việt Nam
Diện tích và sản lượng
Cây điều là một trong những cây công nghiệp lâu năm có diện tích gieo trồng lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trồng điều. Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam (Bảng 2.2), giai đoạn từ 2001 đến 2007, tổng diện tích trồng điều của nước ta tăng trưởng liên tục, trong đó diện tích trồng điều cho thu hoạch thường chiếm khoảng 70%, tỷ lệ còn lại dành cho diện tích trồng mới chưa thu hoạch được. Giai đoạn này đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường và lọt vào top dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều (mục I). Điều này cho thấy nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch và hoạch định rất tốt cho ngành chế biến hạt điều, luôn chủ động và phát triển vùng nguyên liệu trong nước để đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến. Sản lượng hạt điều thu hoạch trong gia đoạn này cũng có sự tăng trưởng ngoạn mục, từ 73.1 nghìn tấn năm 2001 đến năm 2007, tổng sản lượng hạt điều thu hoạch được đã lên tới 273.1 nghìn tấn, đạt mức trung bình 199 nghìn tấn một năm. Cũng trong giai đoạn này, nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cây điều, năng suất của các vùng trồng điều nước ta đã cải thiện đáng kể, đạt mức trung bình 0.88 tấn trên một héc ta.
Bảng 2.2. Diện tích, sản lượng và năng suất cây điều Việt Nam |
|||||||
Năm |
Diện tích thu hoạch (1000 ha) |
Tỷ lệ (%) |
Diện tích chưa thu hoạch (1000 ha) |
Tỷ lệ (%) |
Tổng diện tích (1000 ha) |
Sản lượng (1000 tấn) |
Năng suất (Tấn/ha) |
2001 |
149.7 |
75% |
49.5 |
25% |
199.2 |
73.1 |
0.49 |
2002 |
173.4 |
72% |
67.0 |
28% |
240.4 |
128.8 |
0.74 |
2003 |
184.2 |
70% |
77.3 |
30% |
261.5 |
164.4 |
0.89 |
2004 |
203.4 |
72% |
78.8 |
28% |
282.2 |
204.7 |
1.01 |
2005 |
223.7 |
64% |
124.4 |
36% |
348.1 |
240.2 |
1.07 |
2006 |
276.8 |
69% |
125.0 |
31% |
401.8 |
273.1 |
0.99 |
2007 |
302.8 |
69% |
137.1 |
31% |
439.9 |
312.4 |
1.03 |
2008 |
321.1 |
79% |
85.6 |
21% |
406.7 |
308.5 |
0.96 |
2009 |
340.3 |
87% |
51.1 |
13% |
391.4 |
291.1 |
0.86 |
2010 |
339.4 |
89% |
39.9 |
11% |
379.3 |
310.5 |
0.91 |
2011 |
332.9 |
92% |
30.8 |
8% |
363.7 |
309.1 |
0.93 |
2012 |
320.7 |
96% |
14.5 |
4% |
335.2 |
312.5 |
0.97 |
2013 |
300.9 |
98% |
7.2 |
2% |
308.1 |
275.5 |
0.92 |
2014 |
288.3 |
98% |
6.8 |
2% |
295.1 |
345.1 |
1.20 |
2015 |
280.3 |
97% |
10.1 |
3% |
290.4 |
352.0 |
1.26 |
2016 |
281.0 |
96% |
12.1 |
4% |
293.1 |
305.3 |
1.09 |
2017 |
283.8 |
95% |
13.7 |
5% |
297.5 |
215.8 |
0.76 |
2018 |
283.7 |
95% |
15.8 |
5% |
299.5 |
266.4 |
0.94 |
2019 |
276.4 |
94% |
18.5 |
6% |
294.9 |
284.0 |
1.03 |
Nguồn: Pagacas tổng hợp từ Tổng cục thống kê Việt Nam
Giai đoạn 2008 - 2019: Ở giai đoạn này, Việt Nam đã trở thành công xưởng chế biến của hạt điều thế giới với vị thế luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu hạt điều. Song song đó, tổng sản lượng hạt điều thu hoạch của các vùng trồng điều của nước ta đã tăng lên đáng kể, đạt mức trung bình 298 nghìn tấn một năm, nhiều hơn giai đoạn trước đó gần 100 nghìn tấn một năm. Về năng suất, giai đoạn này nhờ vào việc không ngừng nghiên cứu và cải tạo giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, năng suất thu hoạch của các vùng điều nước ta giai đoạn này đã tăng lên gần 0.98 tấn trên một héc ta. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là tổng diện tích các vùng trồng điều có sự suy giảm gần như là liên tục trong giai đoạn này: nếu như năm 2007 nước ta có 439,9 nghìn héc ta trồng điều thì đến năm 2019, diện tích này bị thu hẹp gần 145 nghìn héc ta xuống còn 294,9 nghìn héc ta. Đây là một trong những điểm đáng báo động của ngành điều nước ta, bởi lẽ diện tích điều giảm đi gây ra những nguy cơ bất ổn về nguyên liệu trong tương lai cho ngành công nghiệp sản xuất. Điểm đáng chú ý khác trong giai đoạn này là tỷ lệ diện tích thu hoạch đã tăng lên đáng kể, đạt 92,8%, chính nhờ điều này đã đảm bảo được sản lượng thu hoạch tăng cao so với giai đoạn trước 2008.
Như vậy, trải qua gần 20 năm phát triển vùng trồng cây điều ở nước ta, những con số thống kê cho thấy có những điểm tích cực trong việc nâng cao sản lượng và năng suất cây điều nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều điểm đáng lo về việc suy giảm diện tích trồng điều. Nguyên nhân một phần đến từ việc người dân trồng điều chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa tiếp cận được kỹ thuật tiên tiến dẫn đến những khó khăn về kỹ thuật. Một nguyên nhân khác là do thu nhập của người nông dân trồng điều có những lúc không bằng thu nhập từ các loại cây khác như macca, cà phê, cao su hay trái cây. Chính vì thói quen chạy theo các loại cây trồng đang có độ “hot” về giá đã làm giảm đáng kể phần diện tích trồng điều. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng phần nào phản ánh nguyên nhân làm suy giảm diện tích trồng điều. Việc phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến hạt điều sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phát triển vùng nguyên liệu trong nước. Chính vì vậy, hiện nay việc quy hoạch và phát triển diện tích trồng điều đang được chính phủ nước ta cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành điều quan tâm sát sao, thúc đẩy nhiều giải pháp mới và hi vọng rằng trong những năm tới, vùng nguyên liệu hạt điều trong nước của nước ta sẽ có những diễn biến và tín hiệu tích cực.
Mùa vụ
Nước ta ở khu vực Bắc Bán Cầu, vì vậy thời gian ra hoa của cây điều cũng theo quy luật thời tiết của vùng khí hậu nước ta. Cụ thể, cây điều ở nước ta hoa hoa vào giữa tháng 11 dương lịch cho đến hết tháng 02 năm sau tùy vùng khác nhau, tuy nhiên thông thường cây điều đơm hoa chủ yếu kéo dài khoảng 3 tháng. Đối với các nước ở khu vực Nam Bán Cầu, cây điều sẽ ra hoa vào khoảng giữa tháng 07 đến giữ tháng 09 (Hình 2.3)
Hình 2.3. Thời gian ra hoa và thu hoạch của cây điều ở các vùng trên thế giới
Nguồn: INC - International Nut and Dried Fruits Council, 2005
Sau đó quá trình thụ phấn chéo được xảy ra giữa các cây điều. Một tuần sau khi được thụ phấn, hoa điều sẽ phát triển thành các hạt nhỏ cùng các quả nhỏ (được gọi là quả giả) có màu xanh lá cây. Hạt nhỏ nhanh chóng phát triển để đạt được kích cỡ tương đương 80% của hạt thông thường, sau đó quả điều bắt đầu phát triển cho đến khi đạt kích thước bình thường. Khi chín, lớp vỏ mỏng bên ngoài quả điều sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc màu vàng tùy theo giống, quả điều chín có mùi thơm rất đặc trưng.
Song song đó, lớp vỏ bên ngoài của hạt điều sẽ phát triển cứng hơn và dần chuyển sang màu xám khi hạt đạt mức trưởng thành, lúc này lớp nhân điều được bảo vệ bởi một lớp vỏ rất cứng. Khi đã hoàn toàn chín, quả điều sẽ tự rơi xuống đất kèm theo hạt điều và đây cũng là lúc thu hoạch hạt. Thời gian phát triển cho tới khi trưởng thành của quả và hạt điều thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng.
Mùa thu hoạch điều ở nước ta thường bắt đầu từ giữa tháng 12 dương lịch đến hết tháng 04 năm sau, quá trình thu hoạch diễn ra liên tục và kéo dài khoảng 3 đến 4 tháng. Người nông dân thường thu hoạch theo ngày, theo đó phương pháp thu hoạch là họ sẽ đi lượm và thu hoạch hạt từ quả rụng, sau đó lặp lại quá trình vào ngày hôm sau. Một số người dân chọn cách hái quả từ trên cây, tuy nhiên phương pháp này thường tốn nhiều công sức và dễ hái phải trái chưa đạt độ chín, ảnh hưởng đến chất lượng hạt nên phương pháp thu hoạch này thường bị hạn chế.
Hình - Hạt điều Việt Nam được thu mua và phơi khô tại Pagacas
Đặc điểm của hạt điều nguyên liệu Việt Nam
Hạt điều Việt Nam được đánh giá rất cao không chỉ về các chỉ tiêu dinh dưỡng mà còn có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Hạt điều nguyên liệu có nguồn gốc Việt Nam thường có đặc điểm hạt không quá to, thường rời vào khoảng 180-200 hạt/kg, hạt tròn và chắc, màu xám sáng. Đối với một số giống cao sản được phát triển những năm gần đây cho kích cỡ hạt to hơn, có thể đạt từ 140-160 hạt/kg. Nhìn chung, hạt điều nguyên liệu Việt Nam thường có tỷ lệ thu hồi nhân cao, thông thường sẽ trên 30% rất thích hợp cho ngành chế biến sâu.
Nguồn tham khảo:
- International Nut and Dried Fruits Council, 2005;
- Case study in Vietnam prepared for SEANAFE’s 2nd Regional Workshop on ‘Markets for Agroforestry Tree Products’ 15-18 August, 2006 in Chiang Mai, Thailand;
- https://www.gso.gov.vn/.
Xem thêm:
Thị trường tiêu thụ của hạt điều Việt Nam
Sản xuất hạt điều tại Việt Nam
Nguyên liệu của ngành điều Việt Nam
Cách phân biệt hạt điều Việt Nam và hạt điều nước ngoài
Quá trình phát triển của ngành điều Việt Nam
Vai trò của ngành điều đối với Việt Nam giai đoạn những năm 2000
Nguồn và sản lượng nhập khẩu hạt điều thô của ngành điều Việt Nam