Trong 5 năm gần nhất, theo số liệu thống kê từ tổ chức ITC thế giới, Việt Nam nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến từ các châu lục khác nhau.
Các quốc gia cung cấp hạt điều thô cho Việt Nam
Thống kê từ tổ chức ITC cho thấy giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thô từ các quốc gia châu Á, châu Phi, châu Úc, Châu Mỹ và thậm chí là châu Âu. Trong đó, châu Á và châu Phi là hai vùng cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho ngành điều Việt Nam, với tỷ trọng lần lượt là 35% và 56%, các châu lục còn lại chiếm tỷ trọng không đáng kể. Cụ thể các quốc gia xuất khẩu hạt điều thô nguyên liệu cho Việt Nam như sau:
- Châu Phi: Châu Phi là vùng đứng đầu về số quốc gia cung cấp hạt điều thô nguyên liệu cho Việt Nam. Đây là vùng có khí hậu nhiệt đới rất phù hợp với sự tăng trưởng của cây điều, chính vì thế mà vùng đất này từ Nam Phi đến Bắc Phi, Tây Phi, Đông Phi và Trung Phi đều có sự góp mặt của các quốc gia trồng điều cung cấp cho Việt Nam. Trong 5 năm vừa qua, châu lục này có 18 quốc gia xuất khẩu hạt điều cho nước ta gồm: Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Tanzania, Togo, Mozambique, Senegal, Nam Phi, Guinea-Bissau, Algeria, Cameroon, Benin, Gabon, Gambia, Guinea, Madagascar, Sierra Leone, Burkina Faso. Có thể nói, châu Phi là châu lục có ảnh hưởng lớn nhất đến nguồn cung nguyên liệu cho ngành điều nước ta hiện nay.
Nguồn: Pagacas tổng hợp từ ITC - Trademap.org
- Châu Á: bên cạnh châu Phi, châu Á cũng là vùng nguyên liệu đặc biệt quan trọng cho ngành điều Việt Nam với sự góp mặt của 11 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia Đông Nam Á, một phần còn lại đến từ Nam Á, Tây Á và Đông Á gồm: Campuchia, Indonesia, Myanma, Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Philippines, UAE, Bangladesh, Singapore và Trung Quốc.
- Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Âu có 3 đại diện cung cấp điều nguyên liệu cho Việt Nam lần lượt là Colombia, Úc và Đức. Trong đó, khả năng cao Úc và Đức là hai quốc gia thương mại, bởi lẽ thổ nhưỡng và khí hậu tại các quốc gia này không phù hợp với sự phát triển của cây điều.
Sản lượng nhập khẩu hạt điều nguyên liệu của Việt Nam
Hạt điều nhập khẩu từ nước ngoài hiện nay đang chiếm tỷ trọng trên dưới 60% tổng lượng nguyên liệu sản xuất của ngành điều Việt Nam. Số lượng nhập khẩu của Việt Nam có thay đổi qua từng năm, tuy nhiên chúng ta luôn nằm trong top các quốc gia nhập khẩu về hạt điều.
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của ITC và GSO Việt Nam
Như vậy, trong suốt 5 năm qua, sản lượng hạt điều thô nguyên liệu nước ta nhập khẩu luôn trên 1 triệu tấn (Biểu đồ 1.2), với công suất sản xuất thực tế của các nhà máy hạt điêu rơi vào khoảng 1.8 triệu tấn thì hiện tại, ngành công nghiệp chế biên hat điều của nuớc ta đang phụ thuộc khoảng 60% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn của ngành điều nước ta khi nguồn cung nguyên liệu còn phụ thuộc khá lớn vào việc nhập khẩu.
Hiện nay, nước ta nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu từ hơn 30 quốc gia, tuy nhiên, trong đó top 5 quốc gia đứng đầu chiếm hơn 90% sản lượng nhập khẩu của nước ta (Biểu đồ 1.2b) gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Ghana, Nigeria và Tanzania.
Nguồn: Pagacas tổng hợp từ ITC - trademap.org
Nhìn chung, ngành điều nước ta đang phụ thuộc vào nguồn cung rất lớn từ một vài quốc gia. Đây là một trong những điểm yếu về nguyên liệu của nước ta. Campuchia hiện đang nổi lên là vùng nguyên liệu mới cho ngành điều Việt Nam. Với lợi thế về vị trí địa lý sát nước ta, có thể vận chuyển bằng đường bộ qua biên giới, khí hậu và thổ nhưỡng có nét tương đồng với vùng Đông Nam bộ cùng với sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật của chính phủ Việt Nam và Hiệp hội điều nước ta, Campuchia được kỳ vọng trở thành vùng nguyên liệu mới cho ngành điều Việt Nam. Đây vừa là lợi thế vừa là thách thức cho ngành điều nước ta trong tương lai.
Nguồn tham khảo:
- ITC - trademap.org;
- http://www.vinacas.com.vn/.
Xem thêm:
Thị trường tiêu thụ của hạt điều Việt Nam
Sản xuất hạt điều tại Việt Nam
Nguyên liệu của ngành điều Việt Nam
Hạt điều Việt Nam - phân bố, diện tích, sản lượng và đặc điểm mùa vụ
Quá trình phát triển của ngành điều Việt Nam
Vai trò của ngành điều đối với Việt Nam giai đoạn những năm 2000