Theo hiểu biết hay cách gọi thông thường của người Việt Nam thì hạt điều là hạt của quả điều, ngoài ra người miền Trung và Nam Trung Bộ thường gọi hạt điều với cái tên khác, đó là đào lộn hạt.
Hạt điều là gì?
Hạt điều là phần hạt lộ ra bên ngoài của quả điều, là phần có giá trị dinh dưỡng và kinh tế nhất của cây điều, thường được chế biến để làm thực phẩm. Điều có tên quốc tế là Cashew và cây điều thuộc loại cây công nghiệp lâu năm, thuộc họ Đào lộn hột (họ Xoài).
Nguồn gốc cây điều? Sự phân bố của cây điều trên thế giới và Việt Nam
Cây điều có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ, được phát hiện lần đầu tiên ở khu vực phía Đông Bắc Brasil, phân bổ chủ yếu ở các vùng có khí hậu nhiệt đới với hơn 50 quốc gia trên thế giới, phổ biến được biết đến như: Brazil (Châu Mỹ), Guinea Bissau, Ghana, Benin, Tanzania, Nigieria (châu Phi), Sri Lanka, Ấn Độ, Maylaysia, Campuchia, Lào, Việt Nam, Indonesia, Philippine (Châu Á).
Tại Việt Nam, cây điều được du nhập vào nước ta từ khoảng thế kỷ XVIII và được phân bổ từ các tỉnh miền Trung trở vào Nam. Có thể thấy cây điều xuất hiện rải rác ở các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam,… cho đến các tỉnh Nam bộ như Bến Tre, An Giang,… thậm chí là Huyện Đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Tuy nhiên, hạt điều Việt Nam nổi tiếng về số lượng và chất lượng tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cụ thể là ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu,… Theo số liệu mới nhất của tổng cục thống kê vào năm 2019, nước ta có tổng diện tích trồng cây điều là 296,4 nghìn ha, thu được sản lượng cùng năm đạt 284 nghìn tấn.
Trong đó, hạt điều được trồng tại Bình Phước được đánh giá là hạt điều có chất lượng tốt nhất và ngon nhất. Bên cạnh đó, Bình Phước là nơi chiếm gần 50% diện tích trồng và hơn 54% sản lượng điều trên cả nước, đây cũng là nơi tập trung hơn 1.400 Doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành chế biến hạt điều (Theo CTTĐTBP - 02/12/2020). Chính vì vậy mà nơi đây được xem là “thủ phủ” hạt điều của thế giới và được Cục sở hữu trí tuệ cấp “Chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm hạt điều” vào ngày 13/03/2018.
Hạt điều có giá trị gì? Tổng quan về ngành điều điều Việt Nam
Như đã đề cập ở trên, hạt điều là bộ phận có giá trị kinh tế cao nhất của cây điều. Cụ thể, hạt điều được thu hoạch và khai thác để sử dụng chủ yếu làm thực phẩm.
Hạt điều có thể được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn thường ngày như salad, súp, xôi, chè, sữa… Bên cạnh đó, hạt điều còn được chế biến sâu để trở thành thực phẩm khô như một loại snack dùng nhanh như hạt điều rang muối, hạt điều vị cà phê, hạt điều vị sầu riêng,… Ngoài ra, hạt điều được biết đến là một trong những thực phẩm cao cấp có giá trị kinh tế cao.
Ở Việt Nam, chế biến hạt điều được biết đến là một ngành công nghiệp tỷ đô. Ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam được hình thành từ những năm 1988 (theo Vinacas). Từ những năm đầu tiên, với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong ngành, đến năm 2002 nước ta đã trở thành nước xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 thế giới. Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới và không ngừng giữ vững vị trí cho đến nay. Năm 2010 là năm đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành điều Việt Nam vượt trên 1 tỷ USD. Đến năm2020, tổng giá trị xuất khẩu của hạt điều Việt Nam đạt 3,19 tỷ USD với sản lượng ước tính khoảng 511 nghìn tấn (Theo CTTĐTBP).
Với sự phát triển không ngừng, ngành sản xuất chế biến hạt điều đang từng ngày góp phần phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân Việt Nam trong chuỗi giá trị của hạt điều.
Xem thêm: