Điều là gì?
Điều (hay còn gọi là “đào lộn hột”) tên tiếng anh là cashew, có tên khoa học là Anacardium occidentale L., cây điều được xếp vào họ quả hạch (Anacardiaceae family) với 60 chi và 400 loài. Cây điều còn là loại cây công nghiệp dài ngày xếp trong họ hạt dẻ cười (Pistacia vera L.) và họ xoài (Mangifera indica L.).
Trong ngôn ngữ Bồ Đào Nha, "điều" được phát âm là "Caju" có nghĩa là "quả" hay "Cajueiro" có nghĩa là "cây". Cây điều có đặc tinh sinh trưởng nhanh và có thể phát triển tới mức đạt chiều cao 20m ở môi trường và điều kiện thích hợp, tuy nhiên chiều cao thông thường của cây dao động trong khoảng từ 8 – 12m. Điều là loài sinh vật andromoneic, có hoa đực và hoa lưỡng tính phát triển trên cùng một cây và tại cùng 1 cuống.
Nguồn gốc của cây điều?
Điều có nguồn gốc ở khu vực đông bắc Brazil, khu vực xuất xứ có thể là bang Ceara, ở đây cho tới nay vẫn còn tồn tại những vùng cây điều tự nhiên rộng lớn. Năm 1558, một nhà tự nhiên học cũng là một thầy tu người Pháp tên là Thevet đã đến Brazil khảo sát và tại đây, cây điều lần đầu tiên được mô tả chuyên khảo của ông có tựa đề "The oddities of Antarctic France otherwise known as America and of many lands and islands discovered in ourtimes" (1558) - tái bản năm 1994, Brazil. Tác giả đã kể lại chi tiết việc tiêu dùng trái điều, nước ép trái điều, việc nướng hạt điều trên bếp lửa lấy nhân ăn. Ông cũng là người đầu tiên vẽ tranh về cây điều và hoạt động thu hái quả điều, ép lấy nước dịch quả điều chứa vào một vại lớn của người dân địa phương. Tiếp sau còn có một số tác giả khác như Gandao (1576), Marcgrave (1648), Rheed (1682)... trong các khảo sát của mình đã cũng cố thêm những quan sát đầu tiên của Thevet. Chẳng hạn như Gandao (1576), trong mô tả cây điều đã nhắc lại trái điều là một quả rất "độc đáo" trong mùa nóng và mùi vị của nhân điều ngon hơn hạnh nhân.
Vào thế kỷ XVI, thực dân Bồ Đào Nha đã đưa cây điều tới Châu Á và các quốc gia thuộc địa ở Châu Phi. Năm 1550, cây điều được thực dân Bồ Đào Nha đưa tới Goa (Ấn Độ), sau đó là Cochin vào năm 1578 rồi từ đây, cây điều được phát tán nhanh chóng ra toàn bộ các bờ biển ở phía đông nam và phía tây tiểu lục địa Ấn Độ, đồng thời cũng phân bố rộng khắp tới các đảo Ceylon, Nicobar, Indonesia và Andamane. Điếu phát tán tới Đông Dương và những nước khác ở Đông Nam Á và một số đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương có thể là do tác nhân là chim chóc, dơi, khỉ và con người (Bunkill 1935, Johnson 1973). Cũng vào thời gian này người Bổ Đào Nha đã đưa hạt điều tới trồng ở các thuộc địa của họ ở Châu Phi là Mozambique và Angola, rồi từ Mozambique phát tán tới Tanzania và Kenza. Về sau, cây điều tiếp tục được đưa đến Bắc Úc, các đảo Hawais, nam Florida và Fiji,. Ở châu Á cũng như châu Phi cây điều xem như đã được địa phương hóa. Ở đây cây điều đã tìm được các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho điều sinh trưởng và phát triển đến mức làm cho một số nhà thực vật học lúc gán cho cây điều là cây bản địa của châu Á.
Sự phân bố của cây điều
Ngày nay trên thế giới câu điều đã được trồng phổ biến trên một vùng rộng lớn trong phạm vi từ vĩ tuyến 30 Bắc đến vĩ tuyến 30 Nam và trở thành loại cây có giá trị kinh tế lớn. Cây điều phát triển tại các khu vực có điều kiện khí hậu nhiệt đới (độ cao ngang mực nước biển đến cách mực nước biển 1000m, với lượng nước mưa hàng năm từ 400mm đến 4000mm). Cây điều được trồng nhiều ở các châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Philippin, Lào, Campuchia hay các nước Châu Phi (Đông, Tây Trung Phi, Nam Phi) như Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), Guinea-Bissau, Tanzania, Benin và Châu Úc. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sản lượng và lượng tiêu thụ hạt điều trên thế giới tăng mạnh và điều sớm trở thành loại hạt tráng miệng quan trọng nhất thế giới sau hạnh nhân. Tiêu thụ hạt điều trên thế giới đang tăng đều đặn từ 125.000 tấn năm 1955 lên 1.000.000 tấn năm 1995, và ước tính khoảng 1.260.000 tấn vào năm 2005 (Ohler, 1979).
Giá trị kinh tế của cây, quả và hạt điều
Quả điều được đánh giá là loại quả rất có giá trị và đang ngày càng được sử dụng cho các ngành công nghiệp mới. Hạt điều là loại hạt ăn được, trong đó hàm lượng chất đạm, chất béo và chất đường bột khá cao. Ngoài ra còn có nhiều loại vitamin, acit amin và các khoáng chất rất cần cho sức khỏe con người. Trong hạt điều, hàm lượng chất đạm (protein) từ 18 - 20%, chất béo từ 40 -48%, chất đường từ 6 - 7%. Chất đạm trong hạt điều tương đương đậu nành và đậu phộng về số lượng nhưng chất lượng lại vượt trội tương đương với đạm có trong sữa, trứng và thịt. Đặc biệt, hàm lượng chất béo chưa bão hòa chiếm tỷ lệ cao trong chất béo có trong hạt điều, có tác động điều hòa và làm giảm lượng Cholesteron trong máu giúp cơ thể phòng tránh được các bệnh về tim mạch. Các vitamin có trong hạt điều cũng rất đa dạng bao gồm các loại Vitamin B1, B2, D, E, PP... Trong đó, vitamin B1 rất có lợi cho việc tạo cảm giác ăn ngon và hoạt động của hệ thần kinh.
Hạt điều nhân phần lớn được sản xuất để làm snack hay nguyên liệu nấu ăn, phổ biến ở dạng nhân điều rang, kẹo hạt điều và bánh hạt điều. Nhân điều ép nguội có thể thu được khoảng 40% dầu, tỷ lệ này còn vượt cả số lượng của dầu đậu nành, dầu oliu hay dầu bắp. Bã còn lại hay phế phẩm hạt điều cũng có giá trị dinh dưỡng rất cao nên có nhiều ứng dụng trong sản xuất thức ăn gia súc.
Bên ngoài nhân điều có hai lớp vỏ là lớp vỏ cứng bên ngoài và lớp vỏ lụa mỏng bên trong bao bọc lấy nhân điều. Lớp vỏ cứng bên ngoài chứa nhiều hàm lượng dầu phenolic - là chất không ăn được nhưng có rất nhiều ứng dụng, chất này còn được gọi là dầu hạt điều (CNSL). Dầu vỏ hạt điều là sản phẩm có rất nhiều ứng dụng, là nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Hạt điều thô (quả thật) nằm bên dưới và lộ ra bên ngoài phía dưới phần quả giả có thể ăn được gọi là “quả điều” (cashew apple).
Quả điều cũng là một loại thực phẩm tốt, thơm ngọt và dễ tiêu hóa. Quả đều giàu khoáng và các vitamin như C, B1, B2, PP,... đặc biệt Vitamin C trong quả điều gấp 5 lần quả chanh. Nước ép quả điều chưa 10,0 -10,5% đường và 0,35 axit, độ Brix từ 12 đến 14. Nhược điểm của quả điều là có vị chát do có chất Tanin. Tuy vậy có thể khử chát ngay từ quả hoặc nước ép bằng nhiều phương pháp. Quả điều dùng làm thực phẩm khá đa dạng như ăn tươi hoặc chế biến nước uống, rượu, mút, kẹo. Quả và hạt điều còn có tác dụng chữa trị một số bệnh như giảm đau, lợi tiểu, viêm phế quản, tiêu chảy, nhiễm trùng đường da...
Cây điều ở Việt Nam
Cây điều du nhập vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ XVIII. Trước đâu được trồng nhiều ở miền Nam và chủ yếu trồng lẻ tẻ quanh nhà để lấy quả ăn và bóng mát. Từ sau năm 1975, cây điều được chọn là loại cây để trồng lại rừng bị phá hoại trong chiến tranh ở các tỉnh phía Nam. Tuy vậy, phải đến những năm đầu 1980, việc khai thác tiềm năng kinh tế to lớn của cây điều ở nước ta mới thực sự được chú ý. Nhiều nông trườn được thành lập, người dân được khuyến khích trồng điều. Ngày nay, cây điều được trồng rộng rãi và phân bố từ miền Trung vào tới Nam bộ nước ta, phổ biến ở khác khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ như: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng,... Từ năm 2006 đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nhân hạt điều đứng đầu thế giới về sản lượng và giá trị và cũng là quốc gia có diện tích trồng điều lớn thứ 3 thế giới.
*Nguồn tham khảo:
Ks. Nguyễn Mạnh Chinh và Ts. Nguyễn Đăng Nghĩa, Trồng - Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây điều, NXB Nông Nghiệp,.
Xem thêm: