Cây điều cũng như các loại cây trồng từ hạt khác, khả năng xảy ra thụ phấn chéo cao và phán tán rộng do đó có thể dễ dàng thấy được tính đa dạng trong một quần thể điều.
Về hình dạng cây: thấy có cây điều thân cao, phân cành cao, ít cành nhánh, tán thưa và hẹp. Có cây thân lùn, tán xòe rộng cành nhánh rậm rạp, phân cành thấp đôi khi gần sát mặt đất.
Về hoa: như đã biết điều trổ hoa tập trung ở đầu nhánh thành từng chùm, cùng lúc có cả hoa đực và hoa lưỡng tính . Ta thấy có cây trổ hoa sớm, tập trung trong một thời gian ngắn lại có cây trổ hoa muộn, kéo dài nhiều ngày. Số lượng hoa trong một chùm hoa cũng có chênh lệch lớn từ vài chục đến hàng trăm hoa trong một chùm hoa tùy theo cây. Tỷ lệ hoa lưỡng tính trong mỗi chùm hoa cũng rất khác nhau từ 4 - 5% tới trên 20% tùy theo cây. Tỷ lệ đậu quả sau khi hoa lưỡng tính nở cũng sai khác nhau tùy theo cây. Có cây tỷ lệ đậu quả chỉ đạt 1 - 3 quả trong một chùm, có cây tỷ lệ này tới 6 - 10 quả.
Về kích cỡ và chất lượng của hạt và trái cũng có sai khác nhiều ở các cây. Có cây cho hạt kích cỡ lớn, tỷ lệ nhân trong hạt cao (25 - 30%) thì có cây chỉ cho hạt nhỏ tỷ lệ nhân thấp (< 20%). Có cây điều cho trái màu đỏ lại có cây cho trái màu vàng. Trọng lượng trái từ vài chục gam đến hàng trăm gam, và mùi vị độ chát khác nhau tùy theo mỗi cây.
Tính đa dạng về hình dạng cây, tán cây, pha ra hoa, tỷ lệ hoa lưỡng tính, tỷ lệ đậu quả, kích cỡ, chất lượng của hạt và trái có thể là do sự phân tách của tính dị hợp vốn có (biến dị di truyền). Vì lý do này có rất ít dạng được đặt tên là giống theo định nghĩa chặt chẽ. Một cách tổng quát, người ta đã phân loại giống điều theo màu sắc của trái (Morada, 1941; Ras và Hassan, 1957; Cordoba, 1967; Northwood, 1967; Morton, 1970).
Từ bản chất không đồng nhất của quần thể điều đã gợi mở ra cách tuyển chọn giống điều (với sự tự thụ phấn nhờ tác động của con người và sinh sản vô giao) mang đầy đủ những đặc trưng nông học và có năng suất cao hơn.
Những đặc trưng được làm căn cứ để tuyển chọn giống điều có giá trị kinh tế cao gồm:
- Trổ bông sớm và tập trung.
- Cường độ đậu quả (số quả đối với mỗi chùm hoa và đối với mỗi cây).
- Năng suất hạt và trái (kg hạt sản xuất ra đối với 1m vuông tán cây).
- Những đặc trưng vật hậu học (kích cỡ, hình dạng và trọng lượng riêng) của hạt và trái.
- Tính miễn dịch hoặc tính chống lại được những loại sâu hại đặc biệt.
Việc xem xét đánh giá những đặc trưng này của cây phải căn cứ vào những số liệu thống kê trong một số năm liên tục và được kiểm tra ở các đời sau. Những cây đạt yêu cầu được sử dụng để thiết lập các vườn dòng thuần cung cấp hạt giống cho nhân giống hữu tính và cung cấp vật liệu (cành, chồi, mắt,...) cho nhân giống vô tính cây điều.
Cho đến nay Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta đã quyết định công nhận một số giống điều ưu tiên sử dụng trong sản xuất như các giống ES-04, EK-04, BĐ-01, KP-11, KP-12.
- Giống điều ES-04: có đặc điểm một chùm sẽ có từ 5 đến 10 quả, quả khi chín có màu vàng. Kích cỡ hạt trung bình là 173 hạt/kg, tỉ lệ nhân khá cao (27.4%). Giống điều này ít bị sâu bệnh nguy hiểm như bọ xít muỗi, thán thư, xì mủ. Năng suất hạt từ 55 đến 65 kg cho một cây một mùa vụ.
- Giống điều EK-24: số quả một chùm từ 5 đến 8 quả, quả khi chín có màu vàng. Kích cỡ hạt rất lớn, chỉ khoảng 120 hạt/kg, tỉ lệ nhân cao (28%). Giống điều này cũng ít bị các sâu bệnh nguy hiểm. Năng suất hạt từ 35 đến 45 kg cho một cây một mùa vụ.
- Giống điều BĐ-01: số quả một chùm từ 5 đến 10 quả, màu quả vàng khi chín. Kích cỡ hạt khá lớn, trung bình 165 hạt/kg, tỉ lệ nhân khá cao (27%). Giống điều này ít bị sâu bệnh nguy hiểm. Năng suất hạt từ 45 đến 55 kg cho một cây một mùa vụ.
- Giống điều KP-11: số quả một chùm từ 5 đến 10 quả, màu quả vàng khi chín. Kích cỡ hạt khá lớn, trung bình là 150 hạt/kg, tỉ lệ nhân khá cao (27.5%). Giống điều này có khả năng ít bị sâu bệnh nguy hiểm. Năng suất hạt từ 45 đến 55 kg cho một cây một mùa vụ.
- Giống điều KP-12: số quả một chùm từ 5 đến 10 quả, màu quả đỏ khi chín. Kích cỡ hạt lớn, trung bình là 140 hạt/kg, tỉ lệ nhân khá cao (27%). Giống này ít bị sâu bệnh nguy hiểm. Năng suất từ 55 đến 65 kg cho một cây một mùa vụ.
Các giống trên đây do viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên chọn lọc cá thể trội từ biến thiên của các quần thể điều trong sản xuất.
Viện KHKT Nông nghiệp miền nam bằng phương pháp chọn lọc cá thể tuyển non có các giống điều được công nhận khu vực hóa là:
- Giống điều MH 5/4: cây sẽ ra hoa sau khi trồng 18 tháng. Số quả một chùm từ 6 đến 10 quả, quả khi chín sẽ có màu vàng. Kích thước hạt lớn, trung bình nằm trong khoảng từ 125 đến 135 hạt/kg, tỉ lệ nhân cao (29 - 32%). Giống có khả năng ít bị sâu bệnh nguy hiểm. Năng suất hạt điều thu được từ 3000 đến 4000 kg/ha một năm.
- Giống điều LG1: cây sẽ ra hoa sau 18 tháng trồng, kích cỡ hạt lớn. trung bình từ 150 đến 155 hạt/kg. Số quả một chùm từ 6 đến 10 quả, quả khi chín sẽ có màu đỏ. Tỉ lệ nhân cao (28 - 30%). Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây thuộc giống này ở mức trung bình. Năng suất hạt điều thu được từ 2000 đến 3000 kg/ha một năm.
- Giống điều CH1: cây sẽ ra hoa sau 18 tháng trồng. Số quả một chùm từ 8 đến 14 quả, quả có màu đỏ khi chín. Tỉ lệ nhân cao (27 - 29%). Kích cỡ hạt trung bình của giống này ở mức vừa, trung bình từ 160 đến 170 hạt/kg. Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây thuộc giống này ở mức trung bình. Năng suất hạt điều thu được từ 2000 đến 3000 kg/ha một năm.
- Giống điều PN1: cây sẽ ra hoa sau khi trồng 18 tháng. Số quả một chùm từ 4 đến 10 quả, quả có màu vàng khi chín. Kích cỡ hạt lớn, trung bình từ 145 đến 155 hạt/kg. Tỉ lệ nhân cao (30 - 33%). Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây thuộc giống này ở mức trung bình. Năng suất hạt điều thu được từ 2000 đến 3000 kg/ha một năm.
Nguồn tham khảo:
- Phạm Đình Thanh, Hạt điều - Sản xuất và chế biến, 2003.
Xem thêm:
Chăm sóc cây điều: làm cỏ, tỉa cành, tạo tán, tưới tiêu nước, bón phân, cải tạo vườn già cỗi
Thu hoạch, sơ chế, chế biến hạt điều và quả điều
Nhân giống điều bằng phương pháp vô tính - Chiết cành, ghép cành
Nhân giống điều bằng phương pháp hữu tính (trồng từ hạt)
Trồng cây điều: chuẩn bị đất, khoảng cách trồng, đào hố trồng cây và trồng xen
Bệnh hại điều - Thối cụm hoa, thán thư, thối cổ rễ, váng hồng, đốm lá, móc bồ hóng