Vỏ điều
Vỏ điều là thứ nhiều người xem là phế phẩm, nhưng đang trở thành nguồn nguyên liệu mới với nhiều ứng dụng và được mong đợi tạo ra thị trường triệu đô, đóng góp tích cực cho chuỗi giá trị của ngành điều. Từ vỏ hạt điều có thể sản xuất ra dầu điều và than hoạt tính với rất nhiều ứng dụng cho nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao.
Theo thực tế, từ 100kg hạt điều thô có thể cho ra được từ 68-75 kg vỏ điều và 25-30 kg nhân điều, từ lượng vỏ điều trên có thể sản xuất được khoảng 15,4 kg dầu điều.
Hạt điều được bao quanh bởi hai lớp vỏ: lớp vỏ lụa mỏng bên trong và lớp vỏ cứng bên ngoài. Vỏ là lớp vỏ bao quanh nhân, vỏ chiếm khoảng 72%, nhân chiếm 28% trọng lượng quả thực. Vỏ hạt điều có thành phần chủ yếu là cardol và anacardic. Hiện nay, hạt điều đang trở thành loại hạt được chế biến rất nhiều với con số lên đến hơn 3,5 triệu tấn hàng năm (theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ - số 42/2016). Vỏ hạt điều là phế phẩm thải ra từ quá trình sản xuất và chế biến hạt điều. Trước nghiêm trọng đến môi trường. Sau này, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vỏ hạt điều được nghiên cứu và ứng dụng cho rất nhiều lĩnh vực mới. Các sản phẩm tinh chế từ vỏ hạt điều rất đa dạng như: dầu tinh luyện, dầu cardanol, than, than hoạt tính và sản xuất bột ma sát,...
Hình - Vỏ điều sau khi tách khỏi hạt điều
Dầu vỏ điều
Lớp vỏ cứng hạt điều có chứa nhiều hợp chất Phenolic, đây là hợp chất dầu không ăn được - thường được gọi là dầu hạt điều, có tên khoa học viết tắc là CNSL.Trong thành phần chiết xuất từ chất lỏng tinh dầu thu được từ vỏ hạt điều có chứa anacardic acids (70%), cardanol (5%) và cardol (18%). Đây là chất lỏng có độc hóa cao, tuy nhiên nó có chứa hoạt tính giảm ma sát và polyme hóa có rất nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp dân dụng. Dầu thu được từ vỏ hạt điều cũng có thể điều chế ra các hóa chất như carnol và carnadol. Ứng dụng dầu này rất đa dạng, như: bột ma sát, chất chống oxy hoá, dầu bôi trơn máy bay, làm sơn, vecni, má phanh ô tô, xi măng, thuốc diệt nấm và thuốc chữa bệnh cùng nhiều công dụng khác.
Vỏ điều sau khi thu mua xong, sẽ được đưa vào máy ép để lấy dầu thô. Dầu thô sau khi ép xong sẽ được xử lý trong bồn lọc để loại bỏ các cặn bã, còn bã của vỏ hạt điều (còn gọi là bã điều) sẽ được đúc thành khối cho các lò ngói gạch dùng để đốt lò.
Về phần dầu, sau khi được lọc qua bồn sẽ được đưa vào lò phản ứng để được tách nước, phần còn lại là dầu tinh luyện được đưa vào lò dự nhiệt để nâng nhiệt độ của tháo chưng cất chân không và dầu để sản xuất ra cardanol. Trong quá trình chưng cất, dầu tinh luyện ở nhiệt độ cao sẽ chuyển thành dạng hơi và tiếp tục ngưng tụ lại thành chất lỏng ở đáy rồi sau đó chảy ra bể chứa. Phần cặn của dầu cardanol sẽ được sản xuất thành bộ ma sát trong suốt trình chưng cất.
Dầu điều là thành phần được sử dụng phổ biến trong các loại vật liệu kết dính chất lượng cao, hay được dùng để làm các chất tạo màng trong sản xuất sơn tàu biển, các loại vật liệu ép, chịu bền, chịu nhiệt hoá chất trong ứng dụng ngành công nghiệp hoặc điện tử,..Cụ thể như sau:
- Trong y dược: Nhựa điều là một trong những thành phần có thể chữa trị được bệnh lang beng, chàm, vảy nến,..
- Dùng làm nguyên liệu cháy: Dầu điều được so sánh ngang bằng với xăng dầu nên sử dụng dầu điều để làm nguyên liệu cháy cực kì tốt. Tuy nhiên, vì số lượng dầu điều ít và không phổ biến như xăng dầu nên khi sử dụng dầu điều để làm nhiên liệu thì chi phí bỏ ra rất cao.
- Làm sơn dầu: Tất cả các loại sơn chống mọt, chống mối hiện nay đa số đều trộn dầu điều, thành phần dầu điều có công dụng giúp cho gỗ không bị mối hay mọt ăn và còn bền bỉ theo thời gian, đặc biệt là không có hại cho sức khoẻ.
Ước tính, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn dầu điều mỗi năm, Đồng Nai chiếm tỉ trọng 60% trong ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều. Dầu điều của Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp đầu ngành mỗi tháng có thể xuất khẩu khoảng 10.000 tấn dầu. Các thị trường chính của lĩnh vực này đang là Hàn Quốc và Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng, Việt Nam hoàn toàn có nhiều lợi thế để có thể trở thành trung tâm nguyên liệu sản xuất dầu điều trên thế giới. Dầu điều vẫn sẽ là sản phẩm chính vì tiềm năng khai thác loại dầu này vẫn lớn hơn Cardanol", đại diện F.T.E đánh giá.
Là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt điều, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong ngành sản xuất hạt điều. Với vị thế chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, có nguồn nguyên liệu dồi dào từ ngành công nghiệp chế biến hạt điều trong nước, Việt Nam được xem là có ưu thế nhiều hơn Brazil và Ấn Độ, đặc biệt về chi phí vận chuyển. Chính vì vậy, lợi thế cạnh tranh ngành sản xuất dầu điều của Việt Nam là rất lớn.
Hình - Dầu CNSL ép từ vỏ điều
Than vỏ điều
Vỏ hạt điều sau khi ép được sử dụng làm chất đốt (than) và than hoạt tính, hoặc làm ván ép công nghiệp,... Bã của vỏ hạt điều (còn gọi là bã điều) sẽ đúc thành các khối vuông, sau đó được dùng làm chất đốt tương tự như than đá, được sử dụng chủ yếu cho các lò gạch.
Quy trình sản xuất than và than hoạt tính từ vỏ hạt điều: bã điều sau khi đã ép lấy dầu được sấy khô và đốt bằng hệ thống truyền nhiệt tạo thành than. Than vỏ điều sau đó sẽ được đưa vào lò hầm than không khói, sau đó tiếp tục được đốt nóng ở nhiệt độ khoảng 850 độ C cho đến khi tạo ra than hoạt tính.
Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại than hoạt tính sản xuất từ vỏ hạt điều thường có chất lượng thấp nhưng chi phí sản xuất cao nên về mặt kinh tế vẫn chưa khả thi. Chính vì vậy, ứng dụng làm than hoạt tính của vỏ hạt điều vẫn chưa được khai thác tối đa.
Vỏ lụa điều
Vỏ lụa hạt điều là lớp vỏ mỏng màu nâu đất bao bọc quanh hạt điều, chiếm từ 18%% đến 3% trọng lượng hạt điều (Theo nghiên cứu "The importance of the cashew nut" - Oliveira N. F., Leal R. S., Dantas T. N. C.). Vỏ lụa hạt điều thường được mọi người biết đến qua sản phẩm hạt điều rang muối còn vỏ lụa. Trong quá trình sản xuất hạt điều, vỏ lụa điều thường được xem là phế phẩm (trừ sản phẩm hạt điều rang muối còn vỏ lụa).
Vỏ lụa hạt điều tuy là phế phẩm nhưng vẫn chứa thành phần dinh dưỡng nhất định, với thành phần khoảng 11% protein và hàm lượng chất béo khoảng 8%. Đặc biệt, vỏ lụa hạt điều còn chứa hợp chất polyphenol và TPC (hợp chất chống oxy hóa) với hàm lượng còn cao hơn cả trà xanh và socola đen (Theo nghiên cứu của tác giả Mạc Xuân Hòa đăng trên "Tạp chí Khoa học công nghệ và Thực phẩm"- 16 (1) (2018)). Chính vì vậy, vỏ lụa hạt điều có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống, bao gồm:
- Vai trò của vỏ lụa hạt điều trong việc sản xuất hạt điều rang muối: vỏ lụa hạt điều có tác dụng giữ vệ sinh cho hạt bên trong, hạn chế muối xâm nhập vào hạt điều làm cho vị mặn hơn. Lớp vỏ lụa giữ lại còn giúp giảm giá thành sản phẩm do quy trình chế biến sản phẩm được giảm được bước bóc lụa, đồng thời lớp vỏ lụa này sau khi đóng gói còn có tác dụng hạn chế sự tiếp xúc của hạt điều với không khí và ảnh hưởng bởi nhiệt độ, giúp cho hạt giữ được độ giòn và bảo quản được lâu hơn.
- Sử dụng làm chất đốt: Trước đây, vỏ lụa hạt điều chưa được ứng dụng cho các lĩnh vực khác, vì vậy vỏ lụa hạt điều cũng thường được sử dụng làm chất đốt tương tự như vỏ điều trong quá trình sản xuất hạt điều. Vỏ lụa điều là chất dễ cháy, bén lửa tốt nhưng nhanh tàn.
- Đối với ngành chế biến thức ăn chăn nuôi: vỏ lụa hạt điều được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng có trong vỏ lụa.
- Đối với ngành sản xuất phân bón: vỏ lụa hạt điều được sử dụng làm thành phần cho việc sản xuất phân bón hữu cơ nhờ độ xốp và tạo mùn. Vỏ lụa hạt điều được xem là một trong những nguyên liệu mới rất triển vọng cho việc ủ phân compost, vừa hiệu quả mà chi phí lại tiết kiệm rất nhiều (theo "Nghiên cứu quy trình ủ phân Compost từ vỏ lụa hạt điều" của tác giả Phan Thị Thanh Thúy và Nguyễn Văn Việt đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ số 6/2017).
- Đối với lĩnh vực y tế: vỏ lụa hạt điều được ứng dụng trong việc tạo chất lấy cao răng, giúp ngăn ngừa sâu răng. Vỏ lụa hạt điều có chứa nhiều thành phần kháng khuẩn mạnh hỗ trợ phá vỡ cấu trúc của cao răng, từ đó giúp làm sạch cao răng.
- Đối với lĩnh vực hóa phẩm: vỏ lụa hạt điều là một vật liệu giá rẻ mới đầy tiềm năng để trích các hợp chất polyphenol (hợp chất chống oxy hóa) - theo nghiên cứu của tác giả Mạc Xuân Hòa.
- Đối với công nghiệp bột màu: vỏ lụa hạt điều có nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp bột màu nhờ giá thành rẻ, nguồn nguyên liệu dồi dạo cùng với khả năng tạo màu tốt, bột từ vỏ điều được sử dụng để sản xuất thuốc nhuộm, bột màu,...
Nhiều ứng dụng là vậy nhưng vỏ lụa hạt điều có ăn được không? Hiện chưa có một nghiên cứu chính thức cho ra kết quả ăn được hay không của vỏ lụa hạt điều đối với con người. Một số người vẫn ăn kèm phần vỏ lụa với hạt, vỏ lụa hạt điều có vị chát và hơi khó nuốt. Chính vì vậy, vỏ lụa hạt điều được khuyến cáo là không nên ăn trực tiếp.
Gỗ điều
Mỗi năm có không ít diện tích cây điều được đốn hạ vì già hoặc được chủ vườn cưa để chuyển đổi cây trồng. Gỗ điều thường được các cơ sở chế biến hạt điều thu mua để làm chất đốt cho quá trình chế biến hạt điều. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng làm chất đốt như truyền thống, gỗ điều đang trở thành nguồn nguyên liệu mới có ưu thế trong sản xuất đồ gỗ gia dụng như kệ, tủ, bàn ghế,...
Hình - Gỗ cây điều
Gỗ điều là loại gỗ cứng vừa phải có tông màu hồng đỏ sáng, vân thường có hình núi hoặc vân sọc, gỗ điều trong tự nhiên là gỗ mềm, nhẹ, sáng màu thích hợp cho mọi sản phẩm như bàn ghế, giường, tủ, ván ghép và nguyên liệu sản xuất ván nhân tạo (thích hợp làm nguyên liệu cho sản xuất ván ghép thanh). So với các loại gỗ khác, gỗ từ thân cây điều có giá cả khá cạnh tranh bởi nguồn nguyên liệu dồi dào và ổn định. Đặc tính của cây điều thường chi thu hoạch trong khoảng 15 năm, nên sau thời gian này cây điều thường được cưa đi để trồng thay thế cây mới. Với tổng diện tích trồng điều của nước ta năm 2019 khoảng 294.9 nghìn héc ta (theo Tổng cục thống kê), đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào cho ngành công nghiệp sử dụng gỗ điều.
Gỗ điều thường được cưa xẻ thành từng đoạn hình trụ, sau đó được tiến hành xẻ thành ván để thuận tiện cho quy trình chế biến. Sau đó, ván điều được xẻ nhỏ thành từng thanh với nhiều quy cách khác nhau và cho vào bồn tẩm áp lực ngâm với hóa chất với tỷ lệ thích hợp để ngăn ngừa mối mọt. Các thanh gỗ sau khi được ngâm tẩm theo một thời gian quy định, gỗ sẽ được sấy khô cho đến khi đạt chất lượng và độ ẩm phù hợp. Cuối cùng, gỗ điều được kiểm định chất lượng, phân loại và đóng gói thành các kiện theo quy trình khép kín, đạt chuẩn xuất khẩu để sẵn sàng xuất kho.
Nguồn tham khảo:
http://vinacas.com.vn/vo-lua-hat-dieu-giup-ngan-ngua-cac-benh-ve-mieng-bv1028.html
https://hatviet.vn/vn/tin-tuc-tong-hop/bien-vo-hat-dieu-thanh-tien_html
https://dangcongsan.vn/y-te/vo-hat-dieu--nguon-nguyen-lieu-qui-cho-cong-nghiep-hoa-dau-o-binh-phuoc-20288.html
http://www.gohaithanh.com/go-dieu/
http://khovansan.com/ban-go-dieu-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-go-giao-hang-tai-xuong.html
https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/39319/thu-loi-tu-go-dieu
Xem thêm:
Dầu vỏ hạt điều (CNSL) - Tổng quan, tính chất và công dụng
Dầu hạt điều (Cashew Kernel Oil) - Đặc điểm và hàm lượng dinh dưỡng
Quả điều, rễ, thân, lá, nhựa và vỏ thân điều