Quả điều
Việc trồng cây điều được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích sản xuất hạt điều. Lượng lớn quả điều hiện nay được coi là phế phẩm nông nghiệp và phụ phẩm của quá trình sản xuất hạt điều. Quả điều (tên khoa học là Anacardium Occidentale L.) là loại quả đa tác dụng; nó có thể được chế biến làm thực phẩm cho con người, ngoài ra quả điều còn là nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp và có nhiều ứng dụng trong y học.
Hàm lượng dinh dưỡng của quả điều
Bảng 1. Thành phần dinh dưỡng trong 100g quả điều
Thành phần | Giá trị |
Độ ẩm | 86,3% |
Năng lượng | 51kcal |
Protein | 0.2 g |
Fat | 0.1g |
Fibre | 3.2g |
Carbohydrates | 11.1g |
Minerals | 0.8g |
Calcium | 10mg |
Iron | 0.2mg |
Riboflavin | 0.05mg |
Thiamine | 0.02mg |
Niacin | 0.3mg |
Phosphorus | 67mg |
Carotene | 23micrograms |
Vitamin C | 180mg |
Bảng 2. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng trong quả điều
Thành phần | Thành phần chi tiết | Vùng giá trị | Nguồn tham khảo |
Đường | Total sugars ( maltose, sucrose, raffinose and two higher) | 6.3–9.9 g/100 g | Azoubel et al. (2005) ; |
Reducingsugars ( fructose và glucose) | 6.24–9.8 g/100 g | Damasceno et al. (2008) | |
Vitamins | Vitamin C | 126–372 mg/100 ml | Damasceno et al. (2008); Morton and dowling (1987); Gunjate and patwardhan (1995)]; Price et al. (1975); |
Khoáng chất | Ca, P, Fe, K, | 0.9-21.4 mg/100 g | Osho (1995) và Morton and Dowling (1987) |
Mg,Zn,Na | 1.53 g/L 16–105 g/L | ||
Amino axit | Ala, Phe, Ser, Leu, Glu, Asp, Pro, Tyr | 0.88-3.36mM | Oliveira et al. (2002) |
Polyphenols | Axit Gallic, axit protocatechuic, | 215.1–412.8 | Lowor và Agyente-Badu (2009) |
β-cryptoxanthin, zeinoxanthin, lutein | mg/100 ml | ||
Axit Organic | Axit Malic, axit citric, axit lactic | 0.1–0.36 g/100 ml | Joseph (2010) và Price et al. (1975); |
Tannins | 0.22–0.58 g/100 ml | Price et al. (1975); Gunjate và patwardhan (1995) | |
Chất đạm | Protein | 0.1–1.04 g/100 g | Price et al. (1975); Osho (1995) |
Carotene | 0.03–0.74 mg/100 g | Morton and Dowling (1987) | |
pH | 3.67–4.53 | Gunjate and patwardhan (1995); Osho (1995); |
Quả điều được xem là loại quả rất giàu chất dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C trong 100g quả điều trung bình ở mức 180mg (Bảng 1) là rất cao, cao hơn nhiều so với hàm lượng vitamin C có trong các loại trái cây họ cam quýt như bưởi ( 95mg), cam (40mg), chanh (40mg) (theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, NXB Y học).
Ngoài ra, trong quả điều còn chứa nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như Ca, P. Fe, K, Mg, Zn, Na. Quả điều còn chứa nhiều amino axit, protein và một lượng đường vừa phải (Bảng 2). Đặc biệt, trong quả điều còn chứa hàm lượng rất cao các hợp chất polyphenols - những hợp chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, quả điều có một hạn chế là thành phần có chứa chất Tannins - là một hợp chất thuộc nhóm polyphenols nhưng thường gây ra vị chát, hợp chất này thường có nhiều trong trà xanh và được đánh giá là hợp chất có lợi cho sức khỏe.
Công dụng của quả điều
1. Làm thực phẩm
Với hàm lượng chất dinh dưỡng đa dạng, quả điều từ lâu đã được ứng dụng làm thực phẩm cho con người. Quả điều chín có thể dùng để ăn ngay, vị ngọt thơm kèm một chút chát hậu rất đặc trưng. Ở Việt Nam ta, quả điều chín còn được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau rất độc đáo như: làm rau sống (quả điều xắt miếng ngang hoặc dọc, sau đó dùng làm rau sống kèm khế, chuối chát, rau tập tàng,… rất hợp với các món mắm mặn, thịt cá kho,…), dùng để chế biến các món mặn như thịt kho trái điều, canh chua trái điều, cá kho trái điều, gỏi trái điều,…
2. Làm thuốc
Theo truyền thống, quả điều được sử dụng để chữa một số bệnh mãn tính như bệnh Scurvy (một loại bệnh mãn tính do thiếu vitamin C), bệnh tiêu chảy, những vấn đề về tử cung, cổ chướng, bệnh tả và bệnh thấp khớp (Attri 2009) [3]. Quả điều cũng được coi là một phương pháp chữa bệnh rối loạn dạ dày và được sử dụng để điều trị viêm họng ở Cuba và Brazil. Ở Bolivia, quả điều được coi là chất kích thích não bộ con người giúp cải thiện trí nhớ, đồng thời chúng còn được sử dụng như một loại thuốc lợi tiểu mạnh. Nhiều đặc tính của nước ép quả điều đã và đang tiếp tục được nghiên cứu nhằm ứng dụng các giá trị của quả điều trong việc điều trị y khoa thông qua các thành phần trong quả điều có vai trò như chống oxy hóa, chống nấm, kháng khuẩn, Chống khối u, chống viêm nhiễm và chống đột biến gen.
Ở Việt Nam, quả điều được sử dụng như một vị thuốc có tác dụng lợi tiểu và chống buồn nôn. Ngoài ra còn có thể sử dụng để điều trị bệnh viêm họng bằng nước ép từ quả điều.
Bên cạnh đó, theo một số tài liệu nghiên cứu của nước ngoài, quả điều chín đã được người dân châu Phi rải quanh các hồ chứa nước để hạn chế sự phát triển của loài muỗi nhờ khả năng ngăn cản quá trình phát triển của ấu trùng muỗi của một số chất acid có trong thành phần quả điều.
3. Làm rượu và nước giải khát
Quả điều từ lâu đã được dùng để chế biến thành rượu và nước giải khát. Ở Ấn Độ, ngành rượu quả điều có truyền thống hơn 500 năm. Trong khi ở Việt Nam, công nghệ chế biến rượu từ quả điều đã được nghiên cứu và chuyển giao cho nhiều cho nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh gia đình. Theo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam VUSTA, cứ 1 kg trái điều có thể sản xuất ra 1,5 lít rượu vang điều với nồng độ cồn từ 11-13,3%.
Ngoài ra, chất tannin gây ra vị chát và rát lưỡi có trong quả điều đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xử lý loại bỏ thành công, từ đó mở ra những ứng dụng của quả điều trong ngành chế biến nước giải khát.
4. Làm cồn khô, phân bón và xăng sinh học
Quả điều có thành phần rất phù hợp để làm nguyên liệu cho ngành chế biến cồn khô. Theo đó, dịch ép từ quả điều sẽ được cho thêm dung dịch Gelantine, sau đó đun sôi và lọc lấy dịch. Tiếp theo đó sẽ cho thêm men (có tên gọi là Saccharomyces cerevisiae) vào và sau 5 ngày, đem chưng cất dung dịch này sẽ thu được cồn. Công đoạn cuối cùng là thêm chất phụ gia vào để thu được cồn hoàn chỉnh. Phần thịt quả còn lại có thể ủ để làm phân sinh học.
Cồn khô thu được từ quả điều có thể ứng dụng để sản xuất ra các thành phẩm như cồn y tế, cồn nấu lẩu,… Đặc biệt, loại cồn khô này có thể sử dụng để sản xuất cồn khan 99,8% - là nguyên liệu để pha xăng sinh học E10, làm nguồn nguyên liệu sản xuất ethanol sinh học và xăng gốc E10.
5. Làm thức ăn gia súc
Quả điều có đặc điều giàu protein, hàm lượng đường và chất xơ, đồng thời chứa rất nhiều vitamin nên rất thuận lợi cho quá trình ủ chua lên men để làm thức ăn gia súc giúp bổ sung và thay thế một phần thức ăn thô xanh.
Quả điều tươi sau thu hoạch và tách hạt sẽ được đem về phơi khô, sau đó có thể ủ lên men hoặc nghiên thành bột để làm thức ăn cho bò. Thành phẩm thu được có kết quả phân tích cho thấy hàm lượng dinh dưỡng rất cao với chất xơ thô chiếm 33,17%, chất khoáng chiếm 8,29%, protein chiếm 6,1% và chất béo chiếm 1,29%. Thực tế cho thấy bò sẽ phát triển nhanh hơn cả về cân nặng và chiều cao, đồng thời chất lượng thịt và sữa cũng tốt hơn khi có bổ sung loại thức ăn này. Vì vậy, quả điều là nguyên liệu để làm thức ăn cho gia súc rất tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ chi phí thấp.
6. Sản xuất giấm ăn
Theo VUSTA, từ 1,4 kg quả điều có thể sản xuất được 1 lít giấm với tổng chi phi rơi vào khoảng 2.700 đồng. Giấm điều được đánh giá cao về vì quả điều chứa hàm lượng dinh dưỡng tốt. Để men giấm điều đạt hiệu quả cao nhất, quá trình lên men giấm nên bắt đầu từ lúc dịch quả điều đã lên men và đạt nồng độ 7% và độ pH thích hợp là 3,5. Cần bổ sung khoảng 15% lượng giấm và ủ trong 25 ngày là thu được giấm ăn.
Lá điều
Lá điều tuy ít được nhắc đến nhưng có nhiều ứng dụng rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Lá điều có một số công dụng sau:
- Làm thực phẩm: lá điều non thường được người dân làm rau sống. Lá điều non có vị chát nhẹ, thơm bùi gần giống lá sung nên thường được sử dụng làm rau sống hoặc có thể ăn kèm với các món như thịt rắn xúc lá điều, thịt chuột xúc lá điều, tép riêu chẩy xúc lá điều,…, những món ăn dân dã rất quen thuộc với người dân Nam Bộ.
- Làm thuốc: Theo nghiên cứu của Sokeng, lá điều có tác dụng hạ đường huyết và đã được ghi nhận kết quả khả quan. Trong lá điều có chứa nhiều thành phần như tanin, carbohydrate, saponin, flavonoid và alkaloid có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn và giúp kiểm soát tiểu đường. Ngoài ra, nhờ khả năng cải thiện hoạt động của mô tuy thông qua việc giảm hấp thu glucose ở ruột và tăng sản sinh insulin đã cho thấy tác dụng của lá điều trong việc ngăn ngừa tăng đường huyết. Ngoài ra, chiết xuất từ lá điều còn có tác dụng giảm nguy cơ dẫn đến các biến chứng của người bệnh tiểu đường.
- Tận dụng làm phân bón: lá điều hiện nay đa số được tận dụng ủ thành phân tự nhiên sau khi rụng khỏi cành, từ đó bổ sung chất dinh dưỡng cho chính cây điều.
Rễ, vỏ thân cây và nhựa thân cây điều
- Rễ cây điều: Ở Ấn Độ, rễ cây điều được sử dụng để làm thuốc xổ nhằm điều trị táo bón.
- Vỏ thân cây điều: bên ngoài thân cây điều được bao bọc bởi một lớp vỏ xù xì và cứng, lớp vỏ này có chứa 4,7% chất chát nên được ứng dụng trong việc điều chế thuốc nhuộm vải, chế thuốc thuộc da và sản xuất mực in.
- Nhựa thân cây điều: Cây điều già sau nhiều năm phát triển sẽ thường tiết ra một chất nhựa có đặc tính sát trùng. Loại nhựa này có tính kết dính cao nên được sử dụng để sản xuất các loại keo dán, vecni đánh bóng trong ngành gỗ,…
Nguồn tham khảo:
- Bảng 1: C. Gopalan, Nutritive Value of Indian Foods;
- Bảng 2: The Pharma Innovation Journal 2017; 6(7): 260-264;
- Ks. Nguyễn Mạnh Chinh và Ts. Nguyễn Đăng Nghĩa, Trồng - Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây điều, NXB Nông Nghiệp;
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/tannin-trong-tra-la-gi-va-chung-co-loi-ich-gi/
https://www.youtube.com/watch?v=tHcXNECH2ls
http://mattranbinhphuoc.org.vn/NoiDung/cay-dieu-nhieu-loi-ich-cho-cuoc-song
https://tuoitre.vn/cong-dung-lam-thuoc-cua-qua-dieu-113712.htm
https://www.businessinsider.com/feni-cashew-fruit-juice-liquor-goa-india-2021-6
http://www.vinacas.com.vn/lam-nuoc-trai-cay-va-ruou-tu-qua-dieu-bv1349.htm
http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/San-xuat-ruou-vang-tu-trai-dieu-Hien-thuc-va-tuong-lai-1011
https://skhcn.binhphuoc.gov.vn/chu-%C4%91e-thong-tin-chuyen-nganh/ung-dung,-chuyen-giao-tien-bo-kh-cn/san-xuat-con-kho-tu-dich-trai-%C4%91ieu.aspx
https://skhcn.binhphuoc.gov.vn/chu-%C4%91e-thong-tin-chuyen-nganh/ung-dung,-chuyen-giao-tien-bo-kh-cn/san-xuat-con-kho-tu-dich-trai-%C4%91ieu.aspx
http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/San-xuat-giam-an-tu-trai-dieu-1011
https://ondinhtieuduong.com/tri-tieu-duong-bang-la-dieu/
https://caytrongvatnuoi.com/cay-lay-hat/loi-ich-cua-cay-dieu
Xem thêm:
Dầu vỏ hạt điều (CNSL) - Tổng quan, tính chất và công dụng
Dầu vỏ điều, than vỏ điều, vỏ lụa điều và gỗ điều
Dầu hạt điều (Cashew Kernel Oil) - Đặc điểm và hàm lượng dinh dưỡng
Lá điều - Đặc điểm, giá trị dinh dưỡng và ứng dụng
Trái điều (quả điều) - Thành phần dinh dưỡng và công dụng
Trái điều đóng hộp, kẹo và mứt trái điều, giấm trái điều
Xirô trái điều và dịch ép trái điều cô đặc