Hạt điều là một trong những loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, đặc biệt khi Việt Nam đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt điều thì loại hạt này rất phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên vẫn còn đó những băng khoăn, lo lắng về việc hạt điều có thích hợp với mẹ bầu hay không? Những băn khoăn này sẽ được giải quyết cụ thể trong bài viết.
Một số lo ngại của phụ nữ khi ăn hạt điều trong thai kỳ
Một trong những lo lắng nhất của phụ nữ thời kỳ mang thai và cho con bú là những thực phẩm nào phù hợp, thực phẩm nào nên tránh. Vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm, có ảnh hưởng rất lớn đến em bé và sức khỏe của mẹ bầu nên thực phẩm ăn uống phải hết sức chú ý, bầu ăn hạt điều có tốt không là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Đối với hạt điều, mẹ bầu thường băn khoăn liệu hạt điều có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Hạt điều có ảnh hưởng đến sữa hay không? Hay thậm chí là ăn hạt điều có nóng không? Ăn hạt điều có tốt cho bà bầu không, có gây ra ảnh hưởng đặc biệt nào với mẹ bầu không?
Trong một khảo sát được thực hiện ở Ấn Độ, một số bộ lạc người địa phương có truyền thống ngăn cấm mẹ bầu ăn bơ sữa trâu, các loại hạt có dầu, hạt xay, sữa đặc và thức ăn nóng. Người ta tin rằng trong thai kỳ, việc sử dụng các sản phẩm chứa bơ và chất béo là có hại cho việc sinh nở và sức khỏe của bà mẹ và sau khi sinh. Nhưng thực tế đây là những niềm tin từ thời cổ xưa, chưa hề có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh điều này.
Những nghiên cứu về khoa học và lời khuyên của chuyên gia
Trong nghiên cứu của tác giả Lakshmi.G, 2013 cho thấy, phụ nữ trong ăn tốt trong thời kỳ mang thai không chỉ đơn giản là tăng trọng lượng bao nhiêu mà phải xem xét sẽ ăn gì và ăn như thế nào. Theo đó, trung bình mỗi phụ nữ mang thai cần thêm khoảng 300 calo mỗi ngày (ngoài nhu cầu dinh dưỡng của một người bình thường). Đặc biệt, giai đoạn phát triển của em bé trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu phải bổ sung đầy đủ về mặt dinh dưỡng để em bé có thể phát triển khỏe mạnh. Những thực phẩm mẹ bầu sử dụng không nên chỉ cung cấp đơn thuần về calo mà còn phải giàu chất dinh dưỡng thiết yếu.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hạt điều là một nguồn thực phẩm rất tốt cho mẹ bầu (Tham khảo Thành phần dinh dưỡng của hạt điều). Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào cùng các khoáng chất có trong thành phần của hạt điều như chất xơ, chất béo, chất đạm, các vitamin, các axit amin,… hạt điều được nhiều bác sĩ và chuyên gia khẳng định lợi ích đối với sức khỏe phụ nữ mang thai và em bé, cụ thể:
- Vào giai đoạn thai kỳ, phụ nữ mang thai thường cảm thấy mệt mỏi và cần được bổ sung năng lượng và dưỡng chất đầy đủ. Ăn hạt điều sẽ giúp hỗ trợ bổ sung dưỡng chất, thúc đẩy việc sản xuất hồng cầu của cơ thể, đồng thời đồng thời hạt điều có chứa hàm lượng sắt và đồng, có tác dụng bổ sung sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, huyết áp cao và đau đầu.
- Tăng sức đề kháng: hàm lượng kẽm có trong hạt điều rất tốt cho việc tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể trong quá trình tổng hợp protein từ đó giúp vết thương nhanh lành và chống nhiễm khuẩn. Đặc biệt, sự xuất hiện của kẽm trong hạt điều giúp tăng cường sức khỏe cho thai nhi và sự phát triển của em bé. Đồng thời, hạt điều còn giúp thai phụ ngăn ngừa táo bón nhờ có nhiều chất xơ.
- Tốt cho tóc và da, ngăn ngừa rạn da: trong thành phần của hạt điều có chứa đồng - giúp sản sinh loại enzym tyrosinase có tác dụng chuyển đổi tyrosin thành melanin, từ đó tạo ra sắc tố cho da và tóc. Đồng thời, thành phần đồng có vai trò quan trọng trong ciệc hình thành collagen, giúp da và tóc chắc khỏe hơn. Thêm vào đó, các vitamin E, các chất khoáng khác có trong hạt điều có tác dụng chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa lão hõ và hạn chế các vết rạn da trong thời kỳ mang thai.
- Thành phần axit amin, kẽm và protein có trong hạt điều rất cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa tế bào của thai nhi trong thai kỳ. Ngoài ra, hạt điều còn có axit folic giúp hạn chế dị tật bẩm sinh (như tật nứt đốt sống) và nguy cơ dị ứng ở thai nhi.
- Lượng kali có trong hạt điều có tác dụng trung hòa muối từ đó duy trì huyết áp cho cơ thể mẹ bầu, đồng thời hạt điều còn hỗ trợ ngăn ngừa chuột rút, đau đầu và ngăn ngừa nguy cơ các bệnh về tim mạch nhờ có thành phần magie cao.
- Trong hạt điều còn có lượng lớn vitamin K có vai trò thúc đẩy nhanh quá trình đông máu, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh xuất huyết hoặc nguy cơ máu khó đông ở trẻ sơ sinh.
- Tốt xương khớp: Khi mang thai, người phụ nữ vẫn cần canxi cho cơ thể chính họ và canxi cần cho sự phát triển của em bé. Việc bổ sung canxi giúp ngăn ngừa nguy cơ mất canxi từ chính xương của người mẹ. Trong hạt điều có hàm lượng magie và canxi cao giúp hỗ trợ sự phát triển xương của thai nhi và bổ sung lượng canxi cần thiết cho thai phụ.
Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho thấy hạt điều gây ra nóng và ảnh hưởng không tốt đến phụ nữ mang thai và em bé.
Những lưu ý khi sử dụng hạt điều
Hạt điều rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé nhưng phải sử dụng với liều lượng hợp lý. Các mẹ bầu chỉ nên sử dụng hạt điều và các loại hạt dinh dưỡng khác với mức phù hợp, vì nếu sử dụng nhiều quá sẽ không tốt cho cơ thể. Theo đó, các mẹ chỉ nên ăn từ 10 đến 15 hạt mỗi lần sử dụng và không nên ăn trong khoảng thời gian trươc 30 phút của bữa ăn chính vì sẽ bị cảm giác no, khó ăn.
Thai phụ cũng không nên ăn hạt điều vào ban đêm vì dễ dẫn đến tình trạng tăng cân nặng quá nhanh. Thay vào đó, mẹ bầu nên kết hợp ăn hạt điều và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để thay đổi khẩu vị như các món xào, soup,…
Điểm cuối cùng cần chú ý là các mẹ nên chú ý chọn mua hạt điều ở những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng. Các mẹ nên sử dụng hạt điều rang nguyên vị hoặc hạt điều tươi để chế biến thành món ăn thay vì sử dụng các loại hạt điều tẩm vị.
Nguồn tham khảo:
- Lakshmi.G, Journal of Community Nutrition & Health, Vol.2, Issue 2, 2013
- Ambrose, F. C,2018, Idosr Journal of biochemistry, Biotechnology and allied fields, 71-77, 2018.
- Fetugal, B.L., Batunde, G.M. and Oyenuga, U.A. (1974). Protein quality of some Nigerian feed crop, 1st edition. Racine Publishing Company, Ibadan. Pp 58-65
- Ihekoronye, A.I. and Nyoddy, P.O. (1985). Integrated food science and technology for the tropics. Macmillian Education, LTD. London and Oxford, Pp: 47-125.
- International Seed Testing Association (ISTA) (1976). Seed Science and Technology, 4: 3-48
Xem thêm: